Tháng tư là lúc bắt đầu vào mùa khô, cũng là lúc thời kỳ khó khăn cho đa số dân chúng trong thành phố bắt đầu... Khó khăn này chính là nạn khan hiếm nước trong toàn thành phố, nhất là những vùng phía Nam Cochabamba, nơi đa số dân chúng thuộc thành phần nghèo khổ sống chen chúc trong các căn nhà nhỏ hẹp, tối tăm. Đa số dân chúng ở các vùng phía Nam thành phố phải xếp hàng mua nước hàng ngày từ các xe bồn, giống như cảnh thường thấy ở những khu ổ chuột tại Saigon vào các thập niên 60-70 trước đây.
Vào những tháng mùa khô khi trời không mưa, thành phố không đủ nước cung cấp cho dân chúng nên việc cúp nước xảy ra khá thường xuyên. Nước ở đây là nước giếng, không qua một hệ thống thanh lọc vệ sinh nào. Ngay từ ngày đầu chúng tôi đã được khuyến cáo là cần phải đun nước cho sôi ít nhất là 10 phút, thế mà việc trúng độc vì nước thiếu vệ sinh đã xảy ra ít là hai lần cho tôi. Chúng tôi đến Cochabamba vào giữa mùa mưa nên việc cúp nước lúc đó ít xảy ra, nhưng từ đầu tháng Tư đến nay trời không mưa nên việc cúp nước hầu như diễn ra hàng tuần. Đã có lần tôi vừa súc miệng, đánh răng, chải đầu và rửa mặt chỉ bằng một chai nước lọc không đến nửa lít. Một chị bạn ở Mỹ đã nửa đùa nửa thật bảo rằng khi nào có dịp sang thăm, ngoài các loại thức ăn gia vị Việt Nam, chị sẽ mang theo cả deodorant và nước hoa cho chúng tôi nữa.
Nước là một vấn đề nan giải cho Cochabamba và các vùng lân cận. Vì là cao nguyên nên Cochabamba không có sông ngòi, ngoài một hồ nước ao tù ở phía nam thành phố với dòng nước sậm màu, dơ bẩn không thua gì các con kênh nước đen ngày xưa ở Saigon. Vào năm 2000, Cochabamba đã là nơi xảy ra một cuộc xô xát đẫm máu giữa dân chúng và chính quyền thành phố. Việc xô xát này xảy ra khi chính phủ quyết định giao việc khai thác và cung cấp nước cho một công ty tư nhân ngoại quốc. Kết quả là người dân thành phố lúc đó đã phải chi ra đến hơn một phần ba số lương của mình cho việc mua nước xử dụng hàng ngày. (Xem thêm về "The water war in Cochabamba" tại https://youtu.be/hn9wujK0ho4).
Ngoài ra, một khó khăn khác ở đây là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cochabamba nằm trũng trong một thung lũng bao quanh là những dẫy núi cao ngất trời. Núi ở đây là núi trọc, hoàn toàn không cây cối mà chỉ toàn đá và đất, liên tiếp nối đuôi nhau che khuất mọi chân trời. Vì chỉ toàn đá và đất đỏ nên việc ô nhiễm môi trường là việc không thể nào tránh khỏi. Vào những tháng mưa thì cũng không đến nỗi vì còn có một chút độ ẩm trong không khí, nhưng vào mùa khô thì đây quả là một vấn nạn cho khá nhiều người. Đất bụi từ trên núi quyện xuống cộng lẫn với khói xe mù mịt đã làm không khí trở nên nặng nề khó thở. Nhất là vào những ngày có gió, bụi từ trên núi đổ xuống tạo thành những đám mây dust storm bao phủ toàn thành phố. Ngồi trong phòng từ trên lầu năm nhìn ra tứ phía chỉ thấy bụi ơi là bụi. Có khi bụi nhều đến nỗi chúng tôi không dám mở cửa sổ, cho dù trong nhà khá nóng nực vì ở đây không có máy điều hòa.
Vấn đề ô nhiễm không khí cộng thêm cao độ gần 9000 ft của Cochabamba đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe chúng tôi. Năm nay, trong số 5 người Maryknoll Lay Missioners từ Mỹ đến, hầu như tất cả đã phải vào bệnh viện ít là một lần vì cơ thể không thích ứng được với độ cao ở Cochabamba. Mỗi ngày đi bộ dọc theo một con dốc đến trường, dù chỉ hơn nửa cây số tôi cũng đã cảm thấy bị hụt hơi vì thiếu dưỡng khí. Có một lần đang trong lớp học nhìn ra cửa sổ, tự dưng tôi cảm thấy choáng váng xây xẩm, rồi sau đó mắt lại hoa lên không nhìn thấy cả hàng chữ trong sách. Đến chiều khi hai vợ chồng đi chợ, đến gian hàng đông lạnh, mắt tôi lại bị hoa lên và choáng váng khi nhìn vào tủ kính có gắn đèn neon. Hôm sau đi bác sĩ mới biết đó là triệu chứng của những người không quen với độ cao (high altitude) ở Cochabamba. Bác sĩ bảo hầu như người nào ở Mỹ sang cũng bị triệu chứng này, và phải ít là một năm cơ thể mới thích ứng đươc với khí hậu và độ cao ở đây.
À, còn một điều khá thú vị nữa, đó là nạn chó hoang ở Cochabamba. Chó ở đây nhiều vô kể, đa số là chó hoang hoặc chó có chủ nhưng thường xuyên bị bỏ đói nên đành bỏ nhà nhập bầy đi hoang. Đi đâu cũng thấy chó, nhiều khi đi lễ Chúa Nhật cũng thấy vài chú chó thản nhiên vào nhà thờ như mọi người. Ngày đầu tiên nhập học chúng tôi đã được dặn dò phải cẩn thận kẻo đi đường bị chó cắn. Không giống như ở Việt Nam hay dùng đả cẩu bổng của Hồng Thất Công, ở đây chỉ cần giả vờ cúi xuống đất lượm một cục gạch là cả bầy chó hoang sẽ bỏ chạy ngay. Trong trường học có một cô sinh viên trẻ người Đại Hàn sang đây làm thiện nguyện, cô hay hỏi chúng tôi có bao giờ ăn "cờ tây" chưa vì cô ta ... thèm cầy tơ lắm!
Chó hoang nhiều kiểu này mà ở Việt Nam thì chắc đã có khối người vui ... Vậy mà vào mỗi Chúa Nhật trước cửa sân vận động thành phố lại thấy xuất hiện một khu chợ trời bán đủ các loại chó mèo. Các gia đình trẻ hay dẫn con đến đây để chọn lựa mua chó về cho con nuôi. Chẳng biết được bao lâu thì những chú chó con xinh xắn dễ thương này lại trở thành chó hoang, bỏ nhà theo bạn đi lang bạt kỳ hồ?
Chó hoang nhiều kiểu này mà ở Việt Nam thì chắc đã có khối người vui ... Vậy mà vào mỗi Chúa Nhật trước cửa sân vận động thành phố lại thấy xuất hiện một khu chợ trời bán đủ các loại chó mèo. Các gia đình trẻ hay dẫn con đến đây để chọn lựa mua chó về cho con nuôi. Chẳng biết được bao lâu thì những chú chó con xinh xắn dễ thương này lại trở thành chó hoang, bỏ nhà theo bạn đi lang bạt kỳ hồ?
Vì nạn chó hoang lang thang rất nhiều trên đường phố, nên chúng tôi đi đâu cũng phải nhìn trước nhìn sau cẩn thận kẻo đạp ... mìn. Ở đây phương tiện di chuyển hàng ngày chỉ là lội bộ, hoặc xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như taxi, xe bus hoặc trufie. Xe bus ở đây giống các loại xe đò ở miền Nam vào những năm 60-70, nhưng đa số cũ kỹ và không được thường xuyên tu sửa nên chạy cà rịch cà tàng và xịt khói đầy đường. Trufie là các loại xe van hay xe hơi bốn cửa có gắn bảng ghi tuyến đường trên nóc xe. Xe trufie khá thuận tiện và hành khách không cần đón xe từ trạm mà chỉ cần vẫy tay trên đường là tài xế sẽ dừng lại. Khi nào muốn xuống thì chỉ cần bảo tài xế ngừng xe, y như hệ thống xe lam ở Saigon ngày xưa. Ngoài ra, còn có các xe taxi tuy cũ kỹ nhưng khá thuận tiện và rẻ tiền. Nói chung, phương tiện di chuyển công cộng ở đây tuy không tiện nghi và hiện đại như ở Hoa Kỳ, nhưng tương đối thuận tiện và rẻ tiền. Mỗi chuyến trufie đi khắp nơi trong thành phố chỉ tốn khoảng $.30 xu, còn xe bus thì không đến $.25 xu mỗi chuyến.
Người Bolivia có nhiều đức tính khá giống Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ gia đình. Gia đình họ thường cũng đông con và cùng chung sống dưới một mái nhà. Nếu không sống chung một nhà, ông bà và các con các cháu cũng thường xuyên họp mặt trong các dịp sinh nhật, đám cưới hay lễ lạc, hội hè. Khi chúng tôi còn sống chung với gia đình bà Elba, hầu như không tuần nào là bà không có hội họp gia đình. Lúc thì ở nhà người này, lúc thì nhà người khác. Hết birthday rồi lại graduation hay anniversary... Trong các buổi họp mặt như vậy, họ thường quây quần chung quanh bàn ăn và các bữa ăn thường kéo dài đến 3-4 tiếng. Sau bữa ăn, cả gia đình cùng ca hát với nhau và nhảy múa các điệu vũ dân tộc, nhiều khi kéo dài đến tận khuya mới xong. Lúc đầu vì lịch sự và cũng hơi hiếu kỳ nên chúng tôi nhận lời tham dự. Nhưng chỉ sau vài lần là phải viện cớ này cớ nọ rồi kiếm cách từ chối, vì các buổi họp mặt này thường kéo dài từ 5-6 giờ chiều cho đến tận nửa đêm.
Người Bolivia cũng có thói quen đi trễ như người Việt Nam, có lẽ còn hơn cả người Việt mình nữa. Có một lần được mời tham dư sinh nhật bà xui gia của bà Elba, theo thói quen ở Mỹ, chúng tôi đến đúng 6 giờ chiều theo như lời mời. Khi đến nơi, chả thấy ai ngoài bà cụ và mấy đứa cháu. Ngồi uống nước mãi đến hơn 7 giờ rưỡi mới thấy khách lục tục kéo đến. Cả mấy người con trai của bà dù ở chung nhà cũng đi đâu cho đến sau 8 giờ mới về tham dự.
Gia đình người Bolivia thường sống chung đến 2, 3 thế hệ dưới một mái nhà. Điều đáng buồn là các người chồng thường không mấy quan tâm đến vợ con, vì vậy tình trạng bỏ bê gia đình rất hay xảy ra. Một phần vì đàn ông Bolivia có thói quen "machismo" xem thường phụ nữ. Một phần khác có lẽ cũng vì kế sinh nhai nên tình trạng đàn ông bỏ vợ con đi nơi khác lập nghiệp xảy ra rất nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp ở Cochabamba khá cao và thường thì mỗi gia đình chỉ được một người có công ăn việc làm. Trong khi đó mức lương trung bình ở đây chỉ vào khoảng $250 một tháng. Vì vậy, có khi người chồng bỏ vợ đi theo người khác, nhưng cũng có khi họ đành phải xa gia đình để đến các thành phố khác tìm công ăn việc làm. Trong các trường hợp này, người vợ thường phải một mình chăm sóc đàn con bằng việc buôn thúng bán bưng cho qua ngày trên hè phố. Đến một lúc nào đó khi không kham nổi đời sống chật vật, họ đành phải mang con về sống với mẹ già, có thể cũng đã không còn chồng vì nhiều lý do khác nhau. Gia đình bà Elba có 5 chị em gái thì hết 3 người đã bị các ông chồng bỏ rơi. Bà có hai cô con gái thì cả hai đều đã mang con về sống chung với bà, vì hai người chồng đã ra đi kiếm kế sinh nhai ở nước ngoài.
Cũng vì tình trạng này nên trẻ em Bolivia thường phải đi làm rất sớm. Mới đây chính phủ đã ra một đạo luật cho phép trẻ em 10 tuổi trở lên được phép đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Vào các buổi sáng thứ Bảy, Hồng và tôi thường ra chợ trời mua thức ăn hay trái cây và các đồ dùng cần thiết. Ở đây có rất nhiều trẻ em, trai cũng như gái, đẩy các xe cút kít nặng nề theo các bà nội trợ để giúp chở hàng cho họ. Lần đầu tiên theo bà Elba ra chợ mua thức ăn, nhìn bé gái khoảng 10 tuổi cong lưng đẩy chiếc xe thồ nặng trĩu sau lưng bà, tôi thấy không nỡ nên đã bảo em để cho mình đẩy xe. Rồi sau đó Hồng lại dúi cho em một khoản tiền, tuy nhỏ nhưng có lẽ gấp đôi số tiền mà em thường kiếm được.
Nhìn bóng dáng em gầy guộc đen đủi đẩy xe bước đi, lòng tôi chợt chùng xuống. Tôi làm gì được cho em đây? Có lẽ em cũng còn mẹ và các em nhỏ, giờ này chắc đang chờ em mang về một vài đồng bạc hay một vài củ khoai để cả nhà ăn tạm bợ qua ngày.
Nhìn bóng dáng em gầy guộc đen đủi đẩy xe bước đi, lòng tôi chợt chùng xuống. Tôi làm gì được cho em đây? Có lẽ em cũng còn mẹ và các em nhỏ, giờ này chắc đang chờ em mang về một vài đồng bạc hay một vài củ khoai để cả nhà ăn tạm bợ qua ngày.
(Click on the following link to see The Reality of Poverty in Bolivia)
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment